Phát hiện bộ sưu tập vũ khí chiến đấu bằng đồng ở khu vực Ải Chi Lăng
Cuối tháng
11/2013, trong chuyến đi điền dã tại huyện Chi Lăng các cán bộ Bảo tàng tỉnh
được anh Vi Văn Lệ, thôn Đông Mồ, xã Quang Lang cho biết hiện đang lưu giữ 11
hiện vật bằng đồng do anh tìm được tại hang Mắt Hổ.
Bộ sưu tập vũ khí phát hiện tại núi Mắt Hổ, huyện Chi Lăng |
Nhóm
hiện vật này bao gồm: 8 mũi nhọn: chiếc dài nhất 11,2cm, ngắn nhất 5,5cm có
dạng hình chóp, họng tròn, rỗng, có lỗ để chốt hãm ở hai bên, đầu nhọn và sắc.
Đây là loại di vật đa chức năng dùng làm vũ khí và công cụ lao động sản xuất; 2
mũi tên ba cạnh: dài 7,5cm và 5,5cm mũi rộng nhất 0,6 đuôi có dạng hình tròn,
thân có ba cạnh giống hình múi khế, phần đầu sắc nhọn có mầu xanh đặc trưng của
gỉ đồng; 1 mũi giáo: dài 15,2cm, rộng 4,8cm có hình búp đa, mầu xám đen, lưỡi
dẹt mỏng và sắc, ở giữa có một gờ nổi, chuôi có lỗ để tra cán, hiện vật bị gỉ
nhiều, mòn phần mũi nhọn.
Sau khi
làm thủ tục chuyển giao, những hiện vật trên đã được đưa về Bảo tàng tỉnh Lạng
Sơn giám định, lưu giữ, bảo quản. Đồng thời, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã tiến
hành khảo sát vị trí, địa điểm phát hiện di vật với sự giúp đỡ của anh Vi Văn
Lệ, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chi Lăng. Kết quả khảo sát ban đầu cho
thấy: Hang Mắt Hổ nằm trong dãy núi Mặt Quỷ, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng,
huyện Chi Lăng. Đây là một hang đá nhỏ, diện tích khoảng 10m2, lòng hang khô
thoáng. Hang có duy nhất một cửa quay hướng chính Đông, độ cao trung bình
khoảng 40m so với mặt đường quốc lộ, cách quốc lộ - 1A cũ 250m về phía Tây, cách
Ải Chi Lăng 300m về phía Tây Bắc. Việc lên hang khá dễ dàng do vậy nhân dân địa
phương thường ra vào hang bằng cách men theo sườn núi, sau này có nhiều người
vào hang tìm kiếm cổ vật nên lòng hang gần như đã bị xáo trộn. Sưu tập hiện vật
này được anh Vi Văn Lệ phát hiện trong khi đi dò kim loại. Hiện vật nằm ở độ
sâu 50cm so với nền hang. Đoàn công tác đã đào một hố thám sát kích thước: 50cm
x 50cm; sâu 40cm ở giữa hang để tìm kiếm, phát hiện di vật nhưng không phát
hiện thêm được di vật nào.
Nhóm
hiện vật trên đã được Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt
Nam phối hợp giám định vào tháng 6 năm 2014. Kết quả, xác định đây là vũ khí
chiến đấu có tính sát thương cao, thường được quân đội của các triều đại phong
kiến Việt Nam sử dụng trong chiến đấu chống giặc. Niên đại thuộc thời Lê,
khoảng thế kỷ 15 - 17. Địa điểm phát hiện di vật nằm trong khu vực di tích Ải
Chi Lăng thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Đây là một địa bàn xung
yếu, có truyền thống lịch sử lâu đời. Mảnh đất Chi Lăng của Lạng Sơn giống như
cánh cửa gỗ lim vững chắc, án ngữ ở ngay cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc. Nơi đây
từng là chiến địa diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa quân và dân ta với
quân xâm lược phương Bắc, đặc biệt là chiến thắng Chi Lăng thế kỷ 15. Song từ
trước đến nay, chúng ta chưa tìm thấy di vật nào thuộc loại hình vũ khí chiến
đấu thời phong kiến tại vùng đất này. Vì vậy, việc phát hiện nhóm di vật này có
ý nghĩa rất lớn.
Đây là
lần đầu tiên tại tỉnh Lạng Sơn phát hiện được một sưu tập vũ khí chiến đấu bằng
đồng có niên đại thuộc thế kỷ 15 - 17. Những hiện vật này có tác dụng phục vụ
công tác nghiên cứu, tuyên truyền về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước
của dân tộc, là những di vật quý bổ sung cho kho cơ sở của Bảo tàng và đã được
Bảo tàng Lạng Sơn công bố trong Hội nghị thông báo Khảo cổ học lần thứ 49 vừa
được tổ chức vào cuối tháng 9/2014 tại thủ đô Hà Nội./.
Nguồn: baolangson.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét