"Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn"
Hình như thiên nhiên đã cố ý tạo nên
cửa ải lịch sử này. Hai rặng núi đá từ đông bắc và tây bắc chạy về đến đây đều
kẹp lại như hai nan cái của chiếc quạt giấy chạy về điểm tựa. Và cũng từ Quỷ
Môn Quan này, hai rặng núi như hai cánh tay khổng lồ giang rộng ra ôm cả một
vùng đất nước đến mãi sông Cầu.
Nếu đứng về phía Bắc nhìn về Quỷ Môn
Quan quả là mút của một chiếc Hom gió khổng lồ nơi địa đầu Tổ quốc. Địa thế ở
đây hiểm trở vô cùng, hia bên là vách đá cao thẳng đứng. Rừng cây trùng điệp. Ở
giữa là dòng sông, mùa thu nước trong xanh, chảy êm đềm vuốt ve hai bờ đá lổm
chổm những hình thù kỳ lạ, gợi cho ta biết bao hình ảnh kỳ vĩ ngày xưa. Từ dòng
sông sâu nổi lên những cồn đá màu xanh thẫm nhấp nhô trên sóng nước. Có thể gọi
đây là hình ảnh thu nhỏ của Vịnh Hạ Long.
Mời các bạn trèo lên trên mặt chiến
lũy. Nắm đất thiêng liêng này đã được nhiều khách quan trọng và người nước
ngoài phát biểu với một sự trân trọng đặc biệt. Đồng chí S.Lô-vắc-xốc, nhà dân
tộc học nổi tiếng của Tiệp Khắc, trong lần đến thăm Quỷ Môn Quan đã nói rằng:
Có lẽ đây là chiến lũy hình thang độc nhất của thế giới. Nó thể hiện đầu óc
thông minh và tài trí quân sự tuyệt vời của một dân tộc luôn luôn phải chống trả
với những đội quân xâm lược mạnh hơn mình gập trăm lần và trong quá trình dựng
nước và giữ nước lâu dài.
Thông thường các dân tộc trên thế giới
xây thành lũy bao giờ cũng xây thẳng đứng để cản bước quân địch, nhưng thành
lũy của ta có hai mặt trong ngoài như nhau. Tiến cũng được, thoái cũng được. Nó
là con dao hai lưỡi. Phải là một dân tộc cao tay lắm mới sử dụng nổi con dao
hai lưỡi này. Lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh hùng hồn
tài trí quân sự của dân tộc ta. Chiến lũy hình thang này cũng thể hiện một phần
tư tưởng của dân tộc ta: lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh mà vẫn thắng, lại
thắng rất vẻ vang.
Khi địch lọt sâu vào đất nước ta thì
các chiến lũy ở các cửa ải thành những chiếc khóa, khóa chặt sau lưng chúng lại.
Qua nhiều triều đại, nhiều tên tướng giỏi, con cưng của “thiên triều” ở các thời
kì khác nhau đã bỏ xác tại Quỷ Môn Quan này. Ở đây tôi chỉ xin đơn cử chuyện bại
trận của tên tướng Quách Quỳ mà thôi:
Sau khi vượt qua Quỷ Môn Quan với một
giá máu khá đắt, chỉ 3 tháng sau, hắn cùng quân sĩ chạy tháo quân về nước. Lúc
chạy qua Quỷ Môn Quan chúng khiếp đảm đến nỗi tướng sĩ giẫm đạp lên nhau, cố sống
cố chết chạy qua cửa tử, mặc dù Quách Quỳ đã sai đốt hương tế thần núi, quỳ
trên mình ngựa nhìn một đám tướng sĩ xéo lên nhau mà chạy, ngửa cổ gạt nước mắt
than: Đi mười, về không được một. Cửa Quỷ này là đất của trời.
Vì vậy cha ông ta đã mượn bia để ca
ngợi chiến công của các chiến sĩ dân binh người địa phương và cảnh cáo những
quân xâm lược khác. Bia dựng ngay giữa Quỷ Môn Quan với hàng chữ: “Quỷ Môn
Quan, Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất
nhân hoàn” (nghĩa là: Cửa Quỷ Môn, Cửa Quỷ Môn, mười người đi, một người về)
Nhận xét
Đăng nhận xét